Lazi & Con

MUỐN CON TỰ LẬP MÀ CHẲNG CẦN NÓI NHIỀU?

MUỐN CON TỰ LẬP MÀ CHẲNG CẦN NÓI NHIỀU?

(Bí kíp dạy con tự lập - tập 1)

Đơn giản ấy mà! Hãy năng chơi trò “bị ốm”, “đi công tác”, “bận việc đột xuất” hoặc “im thin thít và lặn mất tăm” vào!

Tôi rất rất rất thích con tự lập từ sớm, để mình còn được nghỉ ngơi sớm, và … “được nhờ” sớm 😄! Ờ, thì dĩ nhiên là vì tôi là một “con mẹ lười” chính hiệu nên trong đầu lúc nào cũng có cái tư tưởng rất ư là “đen tối” ấy. Vì muốn được như thế cho nên từ trước cả khi có nguời iu và lấy chồng thì tôi đã rất khoái đọc những bài về nuôi dạy trẻ. Ngoài ra một phần là do bản thân thuộc kiểu “con đẻ được nuôi như con ghẻ” nên tôi thường hay cảm thấy ấm ức không hiểu tại sao bao đứa “con nhà người ta” tầm tuổi mình thì được ngủ nướng, chẳng phải làm cái gì, chỉ có mỗi việc học-chơi-ăn-ngủ, lại còn định kỳ được cho tiền tiêu vặt. Trong khi ấy thì tôi thường phải dậy sớm từ lúc trời còn tờ mờ (dù nhà ở thành phố, chả phải làm nông gì cả), tập thể dục, đi mua hoặc nấu đồ ăn sáng, đi chợ, nhóm bếp nấu cơm, trông em, sơn nhà sơn cửa, giúp bố sửa đồ dùng máy móc trong nhà, cuốc vườn cho mẹ trồng cây, xúc bùn, vớt bèo đào giun nuôi gà vịt (do nhà rộng có vườn), giặt quần áo bằng tay giữa mùa đông, thậm chí dù có đang say sưa làm bài tập mà mẹ gọi ra làm cá, giết gà, mổ lươn, … cũng phải ra 😄. Còn muốn có tiền tiêu vặt á? Thế thì 5 giờ sáng lo mà dậy ra vườn hái lá lốt, sả, diếp cá, lá mơ, … và những loại rau nào còn dư không ăn hết để mang ra chợ bán sỉ lại cho bà hàng rau ở cái chợ cách nhà hơn 1km, hoặc hè đến thì lo mà lọc giấy, bìa, sách vở cũ, tích cóp vỏ chai bia, lon nước ngọt rồi bán ve chai nhá! Tôi bắt đầu cái kiếp sống “con ghẻ” ấy từ khi bị con em gái cho ra rìa năm tôi học lớp 1, và dĩ nhiên phải tập làm hết những việc ấy bắt đầu từ lớp 1.

Chính vì bị “đối xử như con ghẻ” nên tôi cũng ủ mưu sau này có con cũng phải cho con tôi phải “nếm mùi” như mẹ nó. Khốn khổ thay, tôi không sướng như mẹ tôi - đẻ được 2 đứa con gái để mà sai việc sớm, mà chỉ đẻ được 2 thằng đực rựa không chịu làm việc nhà y chang như … Mr. Z (Zero chứ không phải Zoro nhá, không dám công khai danh tính ở đây sợ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình 😄). Trong nhà có một “tấm gương sáng chói” như thế nên hai thằng con tôi tha hồ noi theo, khiến tôi lúc nào cũng bận tối tăm mặt mũi. Tốn tiền mua bao nhiêu sách dạy con, rồi học một đống khóa rèn con mà chỉ áp dụng được dăm ba buổi là đâu lại vào đấy. Giọng nói trong trẻo dịu dàng khi xưa của tôi đã biến mất, thay vào đó là cái giọng vừa khàn khàn lại vừa the thé của mẹ hổ cứ đều đặn vang lên mỗi ngày, mà hai cái con hổ con nhà tôi cứ giả vờ bị nghễnh tai. Nhiều lúc tôi nản, thực sự nản...

Rồi vào một ngày đẹp trời, sau một thời gian dài “over-load” thì tôi đổ bệnh. Nói thật là từ khi lấy chồng và có con, sức đề kháng của tôi tăng vọt lên level max chứ không mong manh gió thổi cái là đổ như thời con gái. Nếu là các chị, tôi cũng đố các chị dám nằm quá 3 tiếng khi mệt đấy! Ông bà nội ngoại nhà tôi không ở cùng nhà, lại tuổi cao, sẵn bệnh đủ thứ bệnh tim mạch, huyết áp, xương khớp, v.v… nên tôi vô cùng hạn chế nhờ, trừ khi nào bất đắc dĩ lắm. Khi xưa chỉ cần hơi mệt xíu là tôi lên giường nằm đắp chăn thoa dầu làm nũng bố mẹ, cậu mợ, người iu (cái gã bây giờ đã trở thành người iu cũ kiêm chồng chính thức của tôi), ... Chồng con vào rồi á, hơi mệt hoặc mệt thật thì cũng chỉ cần hít thở sâu vài cái, trong đầu niệm câu thần chú “cố tí nữa là xong” là lại sức ngay. Dù có ốm thật đi nữa thì cũng ráng dậy nấu nồi cháo mà bỏ vào miệng chứ không thì ngất xỉu rồi vẫn phải cố mà tỉnh lại khi nghe 3 cái miệng size S, M, L trong nhà kêu gào vì bụng đói.

Quay lại vụ tôi ốm đến nỗi nằm bẹp. Hôm ấy cuối tuần nhưng ông chồng tôi phải đi công tác, có mỗi 3 mẹ con ở nhà. Thằng ku lớn đang học lớp 3, ku nhỏ mới vào mẫu giáo đang tuổi ăn tuổi phá. Hôm trước tôi đã thấy mệt rồi nhưng buổi tối cố phơi nốt mẻ quần áo trong máy giặt kẻo để đến sáng hôm sau thì bốc mùi, thế là trúng gió, cảm cúm, sốt, viêm họng, … dính chùm với nhau cùng một lúc. Cả người tôi bủn rủn đến nỗi không thể ngồi dậy được, thế là cứ nằm đó nhắm mắt giả chết. Ku lớn nhà tôi thấy đến giờ mà mẹ không dậy nấu cơm nên chạy vào nhắc.

Tôi he hé mắt ra thều thào:

- Mẹ ốm nặng rồi nên không nấu được đâu con ạ... Con và em lấy tạm ngũ cốc ăn sáng mà ăn với sữa cho qua bữa trưa nhé, hoặc lấy cháo ăn liền đổ nước sôi trong bình điện vào, đậy nắp ngâm 5 phút rồi ăn. Chiều mẹ đỡ thì mẹ nấu cơm cho ăn bù…

Ai dè ku cậu mắt sáng rỡ nói:

- Để con nấu cơm cho mẹ ăn nhé! Con chiên trứng và nấu canh cải thảo (món tủ của cậu) nha!

Tôi hơi bất ngờ vì trước đây cũng có hướng dẫn vài lần nhưng cậu cứ lờ đi, đứng trong bếp với mẹ mà mắt cứ dán chặt vào màn hình tivi để xem ké hoạt hình với cậu em nên hầu như chưa tự tay nấu được bữa nào đàng hoàng. Thế nhưng cậu đã nói là làm được thì cứ để xem thế nào.

Vậy là tôi nằm khểnh chân trong phòng, mở điện thoại xem camera khu vực bếp để quan sát ku cậu xử lý bữa cơm đầu tiên ra sao. Sự thật là … hơn cả những gì tôi tưởng tượng. Cậu vo gạo cắm cơm từng bước đầy đủ (chỉ là quên không lau qua bên ngoài cái lòng nồi cơm điện cho đỡ dính nước), rửa rau thái rau hơi ẩu xíu nhưng cũng chấp nhận được, cũng biết bỏ mấy viên thịt xay mà tôi cất trong tủ đông ra để nấu canh và chiên trứng. Đặc biệt nhất là món trứng chiên, ku cậu làm còn cầu kỳ hơn cả tôi. Ngoài thịt băm, hành khô, hạt tiêu, hành lá thì cậu còn thêm cả cà rốt, ít bơ và các loại rau gia vị sấy khô khác mà cậu thích. Hóa ra cái sở thích xem Asian Food Channel của cậu được phát huy vào lúc này đây. Chuẩn bị xong xuôi, cậu bắc cái ghế nhựa thấp bên cạnh bếp và nấu từng món một, cũng nêm nếm ra dáng Chef lắm cơ! Sau tầm 1 tiếng thì bữa trưa đủ cơm-canh-mặn hoàn tất. Cậu em thấy anh nấu cơm thì cũng lăng xăng bên cạnh ngó nghiêng và chờ được … sai vặt trong niềm háo hức. Cậu còn nhỏ, chưa giúp được gì nhiều nhưng mang bát đũa ra bàn thì dư sức!

Nhìn hai chàng trai hăm hở chuẩn bị bữa cơm mà lòng tôi thấy vui lạ, tự dưng thấy khỏe hẳn ra. Đang lâng lâng thì nghe tiếng gõ cửa, tôi vội vàng chỉnh lại tư thế, trùm chăn kín mít, nhắm mắt lại nói: “Vào đi con”. Cậu cả bước vào phòng dõng dạc:

- Con mời mẹ ra ăn cơm ạ! Mẹ có dậy được không? Con bưng cơm vào phòng cho mẹ nhé?

- Mẹ ra bàn ăn được, nhưng con dìu mẹ đi được không? (thử làm màu một chút xem thái độ cậu thế nào ;D)

Thế là cậu chìa vai ra cho mẹ bám vào, đỡ lấy tay mẹ và dìu từng bước ra ngoài bàn ăn. Mâm cơm được sắp xếp đầy đủ, gọn gàng, từng đôi đũa được gác lên miệng bát, đĩa trứng chiên được trang trí hình trái tim hơi méo xíu vẽ bằng tương cà, thêm chút dưa chuột thái lát bày xung quanh. Tôi húp thử miếng canh, hơi nhạt chút nhưng ăn được. Trứng cũng hơi nhạt, chắc do món này cậu không nếm được, chưa nêm mắm muối quen tay. Cơm thì khá vừa nước, tóm lại là ổn. Qua bữa cơm này tôi phát hiện ra rằng, kỳ thực trẻ con có óc quan sát rất nhạy bén. Có những điều người lớn quên không dạy, chưa dạy kỹ hoặc cho rằng chúng không để tâm, nhưng thực ra chúng vẫn có thể tự làm được thông qua quan sát thực tế hoặc trên tivi. Và quan trọng nhất là: chúng chỉ hứng thú làm khi được trao cho quyền chủ động.

Sau lần đó, tôi ngồi ủ mưu với chồng và vạch ra phương án cứ lâu lâu lại giả ốm, đưa cậu út đi khám bệnh, đi công việc đột xuất nguyên ngày, công tác cuối tuần, … và để cậu lớn ở nhà tự lo cơm nước, bấm máy giặt, phơi-thu quần áo và những việc được giao khác trong khả năng. Cậu cần chỉ dẫn thêm cái gì thì cứ việc nhấc máy alo cho mẹ. Còn “mẹ mìn” là tôi trong lúc ấy thì vừa xem camera giám sát con, vừa vô tư lượn siêu thị, đi café với bạn, đi xem phim với chồng (ở những địa điểm đâu đó gần nhà đề phòng khi có sự cố thì chạy về cho nhanh), hoặc sang nhà ngoại ăn chực,... Dĩ nhiên là tôi cũng phải canh những lúc có thể gửi cậu út sang ngoại và cậu cả đã hoàn thành hòm hòm bài tập rồi thì mới dám “đánh du kích” kiểu ấy.

Những việc cá nhân hàng ngày như tự gấp quần áo, tự dọn phòng ngủ, bàn học, … thì tôi cứ giao khoán cho cậu bằng phương pháp “ma-ke-no” (mặc kệ nó). Sau 3 lần nhắc mà cậu không làm thì tôi cứ để đấy, nghĩa là quần áo đã giặt sạch và thu vào mà cậu không chịu gấp thì tôi cứ để nguyên và nhét vào một xó tủ nào đó cho khuất mắt. Đến lúc đi học cậu tìm mãi không ra bộ đồng phục nào, hoặc tìm thấy mà nhăn nheo nhàu nhĩ không mặc nổi thì việc bị nhà trường phạt hoặc muộn giờ đi học là trách nhiệm của cậu. Tôi don’t care khi đã giao hẹn trước trong 3 lần nhắc nhở. Bàn học, phòng ngủ lộn xộn thì cứ để cho nó thành …cái ổ heo luôn. Đến lúc cậu cần tìm cái này cái kia mà không thấy thì ráng chịu, có kiến hay gián làm tổ thì cứ an nhiên mà sống cùng với chúng, hoặc bạn bè đến chơi cười nhạo vì phòng bẩn thì cũng do cậu mà thôi. Cậu phải tự chịu trách nhiệm với hành động của mình.

Đấy, bí kíp dạy con tự lập tập 1 của tôi chỉ có bấy nhiêu thôi. Còn những chiêu khác thì xin hẹn các bạn trong các tập tiếp theo nhé! Nhưng xin lưu ý một điều là muốn áp dụng chiêu này thì bố mẹ không những “phải lười” mà còn “phải lì”. Nếu cứ “ngứa mắt chịu không được” rồi lại xắn tay lên “làm hộ cho nhanh” là hỏng. Muốn con “làm người tốt” thì bố mẹ phải “làm người xấu” đúng cách nhá!

Xin chào và hẹn gặp lại trong các tập tiếp theo của “Dạy con tự lập” nha!

~ Lazi Mami~

Related Post

Lazi & Con ,

Dạy con tự lập - tập 1

Tôi rất rất rất thích con tự lập từ sớm, để mình còn được nghỉ ngơi sớm, và … “được nhờ” sớm! Ờ, thì dĩ nhiên là vì tôi là một “con mẹ lười” chính hiệu nên trong đầu lúc nào cũng có cái tư tưởng rất ư là “đen tối” ấy. Vì muốn được như thế cho nên từ trước cả khi có nguời iu và lấy chồng thì tôi đã rất khoái đọc những bài...

Lazi & Con ,

Mẹo giúp con "định hướng" giới tính

Mẹo giúp con "định hướng" giới tính

Comment